Chính trị Ý

Bài chi tiết: Chính trị Ý

Chính phủ

Giuseppe Conte
Thủ tướng từ năm 2018
Sergio Mattarella
Tổng thống từ năm 2015

Ý có chế độ nghị viện nhất thể từ ngày 2 tháng 6 năm 1946, khi chế độ quân chủ bị bãi bỏ thông qua trưng cầu dân ý hiến pháp. Tổng thống Ý là nguyên thủ quốc gia, được Quốc hội bầu ra trong phiên họp toàn thể với nhiệm kỳ 7 năm. Ý có một hiến pháp dân chủ thành văn, là kết quả từ công lao của Hội đồng Lập hiến gồm đại biểu của toàn bộ các lực lượng chống phát xít có đóng góp trong việc đánh bại lực lượng quốc xã và phát xít trong nội chiến.[91]

Chính phủ nghị viện Ý dựa trên hệ thống bầu cử đại diện tỷ lệ. Nghị viện Ý theo chế độ lưỡng viện hoàn toàn: Hạ nghị viện (Camera dei deputati, họp tại Palazzo Montecitorio) và Thượng nghị viện (họp tại Palazzo Madama) có quyền lực tương đương. Thủ tướng có danh xưng chính thức là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Presidente del Consiglio dei Ministri), là người đứng đầu chính phủ của Ý. Thủ tướng và nội các do tổng thống bổ nhiệm, song cần phải qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Nghị viện để được nhậm chức. Hội đồng Bộ trưởng nắm giữ quyền lực hành pháp, thủ tướng cần phải được cơ cấu này tán thành để thi hành hầu hết các hoạt động chính trị. Chức vụ thủ tướng của Ý tương tự như tại hầu hết các hệ thống nghị viện khác, song lãnh đạo của chính phủ Ý không có quyền yêu cầu giải tán Nghị viện.

Khác biệt nữa với các chức vụ tương tự là trách nhiệm chính trị tổng thể về tình báo được trao cho thủ tướng. Theo tinh thần đó, thủ tướng thi hành quyền lực tuyệt đối về các chính sách tình báo phối hợp, xác định các nguồn tài chính và củng cố an ninh mạng quốc gia; áp dụng và bảo vệ bí mật nhà nước; uỷ quyền cho các nhân viên tiến hành hoạt động tại Ý và nước ngoài.[92]

Một điểm khác thường của Nghị viện Ý là quyền đại diện được trao cho các công dân Ý thường trú tại nước ngoài: 12 hạ nghị sĩ và 6 thượng nghị sĩ được bầu ra trong bốn khu vực bầu cử hải ngoại riêng biệt. Ngoài ra, Thượng viện Ý có đặc điểm là một số lượng nhỏ nghị sĩ nhậm chức trọn đời, do tổng thống bổ nhiệm, "vì những công lao ái quốc nổi bật trong lĩnh vực xã hội, khoa học, nghệ thuật hoặc văn học". Các cựu tổng thống mặc nhiên là các thượng nghị sĩ trọn đời.

Ba chính đảng lớn của Ý là Đảng Dân chủ (Partito Democratico), Forza Italia (nước Ý tiến bước) và Phong trào Năm sao (Movimento 5 Stelle). Trong tổng tuyển cử năm 2013, ba đảng này giành được 579 trong số 630 ghế tại Hạ nghị viện và 294 trong số 315 ghế tại Thượng nghị viện.[93] Hầu hết các ghế còn lại thuộc về một khối bầu cử đoản mệnh được thành lập nhằm ủng hộ Thủ tướng Mario Monti sắp phải ra đi.

Pháp luật

Toà án Tối cao Ý

Hệ thống tư pháp Ý dựa trên luật La Mã, được bộ luật Napoléon và các đạo luật sau này phỏng theo. Toà án Tối cao Ý xét xử phúc thẩm cả các vụ án hình sự và dân sự. Toà án Hiến pháp Ý (Corte Costituzionale) ra quyết định về tính phù hợp của luật với hiến pháp, đây là một cơ cấu mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Kể từ khi xuất hiện vào giữa thế kỷ XIX, tội phạm có tổ chức và các tổ chức tội phạm tại Ý đã xâm nhập sinh hoạt xã hội và kinh tế của nhiều khu vực tại miền nam Ý, nổi danh nhất trong số đó là Mafia Sicilia, liên minh này về sau phát triển ra một số quốc gia khác như Hoa Kỳ. Các khoản thu của Mafia có thể chiếm đến 9%[94][95] GDP của Ý.[96]

Một báo cáo vào năm 2009 xác định Mafia hiện diện mạnh tại 610 xã, tổng dân số các xã này là 13 triệu và chiếm 14,6% GDP của Ý.[97][98] Băng đảng 'Ndrangheta tập trung tại vùng Calabria có lẽ là tổ chức tội phạm mạnh nhất hiện nay tại Ý, chiếm đến 3% GDP toàn quốc.[99] Tuy nhiên, với 0,013 vụ trên 1.000 dân, Ý chỉ có tỷ lệ giết người cao thứ 47 trong một khảo sát gồm 62 quốc gia.[100]

Thực thi pháp luật tại Ý là nhiệm vụ của nhiều lực lượng cảnh sát. Polizia di Stato (cảnh sát nhà nước) là cảnh sát quốc gia dân sự của Ý. Ngoài các nhiệm vụ tuần tra, điều tra và thực thi pháp luật, họ còn tuần tra hệ thống đường cao tốc, giám sát an toàn của đường sắt, cầu và đường thuỷ. Carabinieri là tên gọi phổ biến của Arma dei Carabinieri, một quân đoàn quân sự giống như hiến binh và họ có các nhiệm vụ cảnh sát. Họ cũng giữ vai trò là quân cảnh của lực lượng vũ trang Ý. Guardia di Finanza (bảo vệ tài chính) là lực lượng nằm dưới quyền của Bộ Kinh tế và Tài chính, có vai trò của lực lượng cảnh sát, chịu trách nhiệm về an toàn tài chính, kinh tế, tư pháp và công cộng. Polizia Penitenziaria (cảnh sát trại cải tạo) điều hành hệ thống nhà tù Ý và quản lý việc vận chuyển tù nhân.

Ngoại giao

Thủ tướng Paolo Gentiloni cùng Cao uỷ EU Federica Mogherini

Ý là thành viên sáng lập của Cộng đồng châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu, và của NATO. Ý gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1955, và là một thành viên cũng như là bên ủng hộ mạnh mẽ của nhiều tổ chức quốc tế, như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch/Tổ chức Thương mại Thế giới (GATT/WTO), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Ủy hội châu Âu, và Sáng kiến Trung Âu. Ý đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của các tổ chức quốc tế như OSCE vào năm 2018, G8 vào năm 2017 và Hội đồng châu Âu từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2014. Ý cũng là một thành viên không thường trực thường xuyên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, gần đây là vào năm 2017.

Ý ủng hộ mạnh mẽ chính trị quốc tế đa phương, tán thành Liên Hiệp Quốc và các hoạt động an ninh quốc tế của tổ chức này. Tính đến năm 2013[cập nhật], Ý đã triển khai 5.296 binh sĩ ra bên ngoài, tham gia vào 33 sứ mệnh của Liên Hiệp Quốc và NATO tại 25 quốc gia trên thế giới.[101] Ý triển khai quân đến hỗ trợ các sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc tại Somalia, Mozambique, và Đông Timor và cung cấp hỗ trợ cho hoạt động của NATO và Liên Hiệp Quốc tại Bosnia, KosovoAlbania. Ý triển khai 2.000 binh sĩ tại Afghanistan nhằm hỗ trợ Chiến dịch Đảm bảo tự do (OEF) từ tháng 2 năm 2003.

Ý ủng hộ các nỗ lực đa phương nhằm tái thiết và ổn định Iraq, song triệt thoái lực lượng quân đội gồm 3.200 binh sĩ vào năm 2006, chỉ duy trì những người điều hành nhân đạo và các nhân viên dân sự khác, Trong tháng 8 năm 2006, Ý triển khai khoảng 2.450 binh sĩ tại Liban trong sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc.[102] Ý là một trong những bên tài trợ nhiều nhất cho Chính quyền Dân tộc Palestine, đóng góp 60 triệu euro chỉ trong năm 2013.[103]

Quân sự

Bài chi tiết: Quân đội Ý
Một chiếc Eurofighter Typhoon của Không quân Ý

Các lực lượng vũ trang Ý bao gồm Lục quân, Hải quân, Không quân và Carabinieri, nằm dưới quyền chỉ huy của Hội đồng Quốc phòng Tối cao do Tổng thống chủ trì. Kể từ năm 2005, phục vụ quân đội là việc tự nguyện.[104] Năm 2010, quân đội Ý có 293.202 quân nhân tại ngũ,[105] trong đó 114.778 người thuộc Carabinieri.[106] Tổng chi tiêu quân sự của Ý vào năm 2016 xếp hạng mười một thế giới, với 27,9 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP quốc gia.[107][108] Nằm trong chiến lược chia sẻ hạt nhân của NATO, Hoa Kỳ đưa 90 bom hạt nhân đến Ý, đặt tại các căn cứ không quân Ghedi và Aviano.[109]

Lục quân Ý là lực lượng phòng thủ trên bộ quốc gia, có quân số 109.703 vào năm 2008. Các loại chiến xa được biết đến nhiều nhất của Lục quân Ý là xe chiến đấu bộ binh Dardo, pháo tự hành chống tăng Centauro và xe tăng Ariete, và trong số máy bay của Lục quân Ý có trực thăng chiến đấu Mangusta, trong thời gian qua được triển khai trong các sứ mệnh của EU, NATO và Liên Hiệp Quốc. Lục quân Ý cũng bố trí một lượng lớn các loại xe bọc thép Leopard 1M-113.

Hải quân Ý vào năm 2008 có 35.200 quân nhân tại ngũ cùng với 85 tàu được biên chế và 123 máy bay.[110] Đây là một lực lượng hải quân có năng lực hoạt động toàn cầu. Trong thời hiện đại, Hải quân Ý tham gia vào nhiều hoạt động gìn giữ hoà bình liên hiệp khắp thế giới. Không quân Ý vào năm 2008 có 43.882 quân nhân, vận hành 585 máy bay, bao gồm 219 máy bay chiến đấu và 114 trực thăng. Năng lực vận chuyển được đảm bảo bằng một phi đội gồm 27 C-130JC-27J Spartan.

Carabinieri là lực lượng hiến binh và quân cảnh của Ý, giữ trật tự quân sự và dân sự cùng các lực lượng cảnh sát khác. Các nhánh khác nhau của Carabinieri được cho là thuộc các bộ khác nhau trong mỗi chức năng riêng biệt, lực lượng này báo cáo với Bộ Nội vụ khi duy trì trật tự và an ninh công cộng.[111]

Hành chính

Ý được chia thành 20 vùng (regioni), trong đó 5 vùng có vị thế tự trị đặc biệt, cho phép họ có thể ban hành pháp luật về một số vấn đề địa phương của mình. Quốc gia được chia tiếp thành 14 thành phố trung tâm (città metropolitane) và 93 tỉnh (provincia) (đến năm 2016), và chúng lại được chia tiếp thành 8.047 khu tự quản (comuni).[112] Hiến pháp sửa đổi năm 2001 trao thêm nhiều quyền tự chủ cho các vùng, đặc biệt là quyền lập pháp và giảm đáng kể sự can thiệp của trung ương vào công việc của các vùng. Trong tháng 6 năm 2006, cử tri bác bỏ trong trưng cầu dân ý về các đề xuất được cho là sẽ dẫn đến một nhà nước liên bang, với tỷ lệ 61,7% trên 38,3%.[113] Kết quả khác biệt đáng kể giữa các vùng, từ 55,3% ủng hộ tại Veneto đến 82% phản đối tại Calabria.[113] Mỗi vùng có một nghị viện tuyển cử, được gọi là Consiglio Regionale (hội đồng vùng), hoặc Assemblea Regionale tại Sicilia, và một chính quyền gọi là Giunta Regionale (uỷ ban vùng), đứng đầu là một thống đốc gọi là Presidente della Giunta Regionale (chủ tịch uỷ ban vùng) hoặc Presidente della Regione (chủ tịch vùng).

VùngThủ phủDiện tích
(km²)
Dân số
AbruzzoL'Aquila10.7631.331.574
Thung lũng AostaAosta3.263128.298
BasilicataPotenza9.995576.619
CalabriaCatanzaro15.0801.976.631
CampaniaNapoli13.5905.861.529
Emilia-RomagnaBologna22.4464.450.508
Friuli-Venezia GiuliaTrieste7.8581.227.122
LazioRoma17.2365.892.425
LiguriaGenova5.4221.583.263
LombardiaMilano23.84410.002.615
MarcheAncona9.3661.550.796
MoliseCampobasso4.438313.348
PiemonteTorino25.4024.424.467
PugliaBari19.3584.090.105
SardegnaCagliari24.0901.663.286
SiciliaPalermo25.7115.092.080
ToscanaFirenze22.9933.752.654
Trentino-Nam TirolTrento13.6071.055.934
UmbriaPerugia8.456894.762
VenetoVenezia18.3994.927.596

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ý http://driving.ca/toyota/corolla/auto-news/news/th... http://www.enterprisecanadanetwork.ca/_uploads/res... http://www.isn.ethz.ch/php/collections/coll_gladio... http://www.isn.ethz.ch/php/documents/collection_gl... http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F011196.php http://www.adnkronos.com/AKI/English/Religion/?id=... http://www.allempires.com/article/index.php?q=ital... http://www.antimafiaduemila.com/content/view/20052... http://www.art-and-archaeology.com/roman/painting.... http://www.bbc.com/news/world-europe-17433142